Russian Dwarf hamster nói chung từng được biết đã sinh đến 14 con non trong phòng thí nghiệm, vì vậy bạn đừng cảm thấy bất thường nếu Dwarf hamster của bạn sinh và nuôi sống được được 8~10 baby. Tuy nhiên bình thường chúng chỉ sinh khoảng 5 con mà thôi. Mặc dù Dwarf hamster có thể sống thành bầy hay nhóm nhỏ nhưng bạn cũng nên suy nghỉ về nơi ở cho các con con khi có ý định cho Dwarf hamster sinh sản.
Độ tuổi sinh sản :
Russian Dwarf hamster có thể trưởng thành sinh dục rất sớm ở khoảng 4~5 tuần tuổi. Nếu như các con đực và cái bằng tuổi được nuôi chung với nhau thì nó có thể giao phối với nhau và mang thai lúc khoảng 1 tháng tuổi nhưng thường thì người ta bắt đầu cho chúng giao phối khi con cái đã trưởng thành hoàn toàn lúc 2~3 tháng tuổi. Tuy vậy nhưng nếu ghép một con đực lớn có kinh nghiệm với một con cái nhỏ mới lớn thì nó có thể sẽ sinh sản sớm hơn ở khoảng 2 tháng tuổi.
Sinh sản sớm có thể ảnh hường đến sức khỏe và sự phát triển của con cái, có thể làm cho nó sinh ra các con non quá yếu hay con mẹ không đủ sức chăm con và tệ hại nhất là ăn hết bầy con của mình. Vì vậy tốt nhất là ghép con cái và con đực bằng tuổi để tránh con cái phải sinh quá sớm.
Mặc dù Dwarf Russian Hamster có thể cho ra đời lien tiếp nhiều lứa nhưng chúng nên được nghỉ ngơi khoảng 3 tuần sau mổi lứa để tránh con cái mất sức quá nhiều. Thường thì con cái sẽ mất dần khả năng sinh sản khi bắt đầu được 12tháng tuổi và chúng cũng thường không chịu đẻ vào mùa đông. Con đực thì có thể cho giao phối suốt cuộc đời của nó.
Ghép đôi và giao phối:
Ghép đôi các Dwarf Russian hamster khá đơn giản vì chúng khá hòa đồng khi sống với nhau thành từng cặp hay nhóm ngoài từ nhiên. Các cặp nên được ghép đôi sớm từ nhỏ để tránh việc đánh nhau giành lãnh thổ khi trưởng thành.
Con đực sẽ tự nhiên ghép cặp với con cái và sống chung với nhau, khi vào thời kỳ động dục con cái sẽ để cho con đực giao phối. Con đực sẽ cố gắng thực hiện việc giao phối vài lần lien tục sau đó nó sẽ đi ra nơi khác ngồi chãi lông một chút xong sẽ quay lại tìm con cái để giao phối thêm vài lần nữa. Con đực sẽ thực hiện hành vi này rất nhiều lần. Con cái thường động dục sau khi sinh nên con đực sẽ giao phối với nó ngay lúc đó.
Quá trình mang thai và sinh sản :
Dwarf Russian Hamster có một khả năng tuyệt vời để trì hoãn việc thụ thai, tức là con cái có thể đã giao phối nhưng việc thụ thai của tất cả các trứng hoặc một số trứng có thể được kiềm chế lại cho đến khi nó cảm thấy muốn mang thai sau đó một thời gian khá lâu. Do đó ngay cả khi đã giao phối thì con cái vẩn có thể không có thai và một con cái đã giao phối và sinh con trước đó có khả năng có thai mà không cần phải giao phối lần nữa.
Thời gian mang thai của Dwarf Russian hamster là từ 18~21 ngày nên ta có thể tính toán tương đối thời gian sinh nở của con cái nếu quan sát thấy chúng giao phối. Bình thường các con cái mang thai thường trở nên dể hung dữ hơn và đuổi con đực ra khỏi tổ vài ngày trước khi sinh. Khi thấy hiện tượng đó tốt nhất ta nên dọn vệ sinh chuồng để chuẩn bị cho con cái sinh nở.
Không cần thiết phải tách hamster đang mang thai ra khỏi bầy hay hamster đực vì các con này sẽ giúp con mẹ chăm các baby. Ngoài ra thì nó còn giúp các baby khi lớn lên có thể học hỏi các kinh nghiệm và biết cách để giao tiếp trong bầy đàn. Tuy nhiên thì con cái thường động dục ngay sau khi sinh nên nếu không muốn nó tiếp tục mang thai và sinh con tiếp thì nên tách con đực ra khỏi chuồng trước khi con cái sinh vài ngày.
Dwarf hamster thường sinh con vào buổi tối, nữa đêm hoặc vào lúc sáng sớm nhưng đôi khi có nhiều con cũng sinh vào ban ngày. Con cái thường sẽ hoạt động rất nhiều trước lúc sinh. Trước khi sinh mổi con nó sẽ co thắc cơ bụng vài lần xong sau đó ngồi co người lại để đẩy con con ra ngoài trong vài phút. Con mẹ sẽ vệ sinh cơ thể cho con con và ăn nhau thai để bổ sung protein cho nó. Mổi con con ra đời mất khoảng 10 phút sau đó mới đến con tiếp theo. Thường thì các hamster baby mới sinh sẽ nằm rãi rác khắp chuồng và sau khi sinh xong tất cả con mẹ mới bắt đầu gom chúng lại. Hamster baby mới sinh nặng khoảng 3gram, cơ thể trần trụi không có lông và không thể nhìn hay nghe thấy gì cả. Tốt nhất đừng nền quấy rầy khi con cái đang sinh con.
Chăm sóc hamster baby :
Sau khi sinh con, tổ của hamster nên để yên, không quấy rầy hay sờ vào các hamster baby trong ít nhất 2 tuần vì như vậy có thể làm hamster mẹ bỏ con. Hamster bố và các con khác trong bầy sẽ thường xuyên phụ con mẹ chăm sóc các baby mặc dù con mẹ có thể đuổi con bố và các con khác ra khỏi tổ trong một hai ngày đầu mới sinh. Nếu có nhiều con cái trong bầy cùng sinh một lúc thì chúng sẽ gom tất cả các baby lại thành một bầy lớn và cùng nhau thai phiên chăm sóc các baby đó.
Tùy thuộc vào màu sắc sau này mà da của các baby có thể có màu tươi hoặc sậm, thường thì ta có thể thấy màu da khi chúng được 4~6 ngày tuổi. Sau 5~7 ngày tuổi thì lông tơ bắt đầu xuất hiện,tai mở khi 9~10 ngày tuổi và toàn cơ thể bao phủ bới một lớp lông mịn, mí mắt bắt đầu xuất hiện. Lúc này các baby bắt đầu có thể bò khắp tổ mặc dù chúng không thấy gì, con mẹ thường sẽ tha các baby về tổ và việc làm này đôi khi kèm theo là tiếng la hét của con non nhưng đó là điều bình thường và không cần phải lo lắng. Đến khi được 14~16 ngày tuổi thì các hamster baby giờ đã mở mắt và khá cứng cáp, lúc này ta có thể bắt chúng chơi trong thời gian ngắn và dọn chuồng cho chúng.
Trong thời kỳ nuôi con Hamster mẹ nên được cho nhiều thức ăn có dinh dưởng cao. Khi các baby bắt đầu có thể ăn thức ăn cứng ta có thể bổ sung dinh dưởng cho chúng bằng carot nghiền, trứng luột, thịt chín… trước khi có thể ăn thức ăn trộn và các thứ khác. Hamster baby hoàn toàn cai sữa và tách mẹ lúc 3 tuẩn tuổi, lúc này ta cũng nên kiểm tra giới tính của các baby để tách đực ra riêng. Chúng nên được cho ở chung với anh chị em của mình trong khoảng 2~3 tuần nữa để phát triển đầy đủ và học tập được khả năng sống cộng đồng. Đến 5~6 tuần tuổi thì chúng đã khỏe mạnh và sẵn sàn đến sống với người chủ mới.